Chính trị Bahrain

Shaikh Hamad bin Isa Al Khalifa, quốc vương của Bahrain
Bài chi tiết: Chính trị Bahrain

Bahrain nằm dưới quyền cai trị của chế độ Al-Khalifa, là một nền quân chủ lập hiến do quốc vương đứng đầu, quốc vương hiện nay là Shaikh Hamad bin Isa Al Khalifa. Quốc vương Hamad có quyền lực hành pháp rộng lớn, bao gồm bổ nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng, chỉ huy quân đội, chủ toạ Hội đồng Tư pháp Tối cao, bổ nhiệm Hội đồng Cố vấn của nghị viện và giải tán Hội đồng Đại diện.[98](tr15) Người đứng đầu chính phủ là thủ tướng, thủ tướng hiện hành Shaikh Khalīfa bin Salman Al Khalifa là chú của Quốc vương Hamad và giữ chức vụ này kể từ năm 1971, khiến ông là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trên thế giới.[102] Năm 2010, khoảng một nửa thành viên chính phủ thuộc gia tộc Al Khalifa.[103]

Bahrain có quốc hội lưỡng viện (al-Jam'iyyah al-Watani) gồm Hội đồng Cố vấn (Majlis Al-Shura) có 40 ghế và Hội đồng Đại diện (Majlis Al-Nuwab) có 40 ghế. 40 thành viên của Shura do quốc vương bổ nhiệm, còn 40 thành viên của Hội đồng Đại diện được bầu theo thể thức đa số tuyệt đối trong các khu vực bầu cử một ghế với nhiệm kỳ 4 năm.[104] Hội đồng Cố vấn có thể phủ quyết trên thực tế Hội đồng Đại diện, do các dự thảo luật cần phải được họ tán thành. Sau khi được Hội đồng Cố vấn tán thành, quốc vương có thể phê chuẩn và ban hành đạo luật hoặc trả lại nó trong vòng sáu tháng cho Quốc hội, và tại đây nó chỉ có thể được thành luật nếu hai phần ba thành viên của cả hai hội đồng tán thành.[98](tr15)

Năm 1973, quốc gia này tổ chức bầu cử nghị viện lần đầu tiên; tuy nhiên, hai năm sau, tiểu vương đương nhiệm giải tán nghị viện và đình chỉ hiến pháp sau khi nghị viện bác bỏ Luật An ninh Nhà nước.[82] Giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2010 có ba lần bầu cử nghị viện, cuộc bầu cử năm 2002 bị phe đối lập Al Wefaq tẩy chay, Al Wefaq giành đa số ghế trong cuộc bầu cử năm 2006 và 2010.[105] Cuộc bầu cử bổ sung năm 2011 được tổ chức để thay thế 18 thành viên của Al Wefaq từ chức nhằm phản đối chính phủ đàn áp.[106][107]

Việc mở cửa chính trị mang lại lợi ích lớn cho các phái chủ nghĩa Hồi giáo Shia và Sunni trong bầu cử, tạo cho họ một nền tảng nghị viện để theo đuổi các chính sách của mình.[108] Nó khiến cho các giáo sĩ lại nổi bật trong hệ thống chính trị, khi thủ lĩnh tôn giáo Shia tối cao là Sheikh Isa Qassim giữ một vai trò sống còn.[109]

Người biểu tình Bahrain bị lực lượng an ninh bắn, tháng 2 năm 2011

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1999 gọi là "thời kỳ Luật An ninh Nhà nước", diễn ra nhiều vi phạm nhân quyền bao gồm bắt giữ tuỳ tiện, giam giữ không xét xử, tra tấn và buộc phải lưu vong.[110][111] Sau khi Tiểu vương Hamad Al Khalifa kế vị cha là Isa Al Khalifa vào năm 1999, ông cho tiến hành các cải cách rộng lớn và nhân quyền được cải thiện đáng kể.[112] Tình trạng nhân quyền bắt đầu kém đi vào năm 2007 khi tra tấn bắt đầu được sử dụng lại.[113] Năm 2011, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mô tả tình hình nhân quyền của Bahrain là "ảm đạm".[114] Năm 2011, Bahrain chịu chỉ trích do đàn áp khởi nghĩa Mùa xuân Ả Rập. Trong tháng 9 năm đó, chính phủ bổ nhiệm một uỷ ban để xác nhận các tường thuật về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như tra tấn có hệ thống. Chính phủ cam kết tiến hành cải cách và tránh lặp lại các "sự kiện đau thương".[115] Năm 2016, Nghị viện châu Âu thông qua một nghị quyết lên án các lạm dụng nhân quyền của nhà đương cục Bahrain, và kêu gọi kết thúc cuộc đàn áp chống lại các nhà bảo vệ nhân quyền, đối lập chính trị và xã hội dân sự tại đây.[116]

Quyền lợi chính trị của nữ giới Bahrain gia tăng khi họ giành được quyền bỏ phiếu và tranh cử trong bầu cử cấp quốc gia lần đầu tiên vào năm 2002.[117] Tuy nhiên, vào năm đó không có nữ giới nào đắc cử.[118], do đó có sáu người được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn.[119] Nada Haffadh trở thành nữ bộ trưởng đầu tiên của Bahrain khi bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế vào năm 2004. Đến khi Bahrain được bầu làm nước đứng đầu Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2006, họ bổ nhiệm luật sư Haya bint Rashid Al Khalifa làm chủ tịch của Đại hội đồng.[120] Năm 2006, Lateefa Al Gaood trở thành nữ nghị viên đầu tiên sau chiến thắng mặc định.[121] Số lượng nữ nghị viên tăng lên bốn sau bầu cử bổ sung năm 2011.[122]

Hầu hết cơ quan phát sóng nội địa do nhà nước sở hữu.[123] Các nhà báo Bahrain phải chịu nguy cơ bị khởi tố vì phạm các tội như "phá hoại" chính phủ và tôn giáo. Tự kiểm duyệt là điều phổ biến. Các nhà báo là mục tiêu của giới quan chức trong biểu tình chống chính phủ năm 2011.[123] Đến năm 2016, Bahrain có 1,3 triệu người sử dụng internet.[124]

Quân sự

Bài chi tiết: Quân đội Bahrain

Bahrain có quân đội quy mô nhỏ song được trang bị tốt, có tên là Lực lượng Phòng thủ Bahrain (BDF), với quân số khoảng 13.000 người (2012).[125] Tư lệnh tối cao của quân đội Bahrain là quốc vương và người có quyền lực thứ nhì là thái tử.[126][127]

Lực lượng Phòng thủ Bahrain chủ yếu sử dụng trang thiết bị của Hoa Kỳ, như F16 Fighting Falcon, F5 Freedom Fighter, UH60 Blackhawk, M60A3 tanks, và tàu USS Jack Williams với tên mới là RBNS Sabha.[128][129]

Chính phủ Bahrain có quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ, họ ký kết các thoả ước hợp tác với quân đội Hoa Kỳ và cung cấp cho Hoa Kỳ một căn cứ tại Juffair kể từ đầu thập niên 1990, song Hoa Kỳ có hiện diện về hải quân tại đảo quốc kể từ năm 1948.[130] Đây là trụ sở của Bộ tư lệnh Trung tâm Hải quân Hoa Kỳ (COMUSNAVCENT) / Hạm đội 5 Hoa Kỳ (COMFIFTHFLT),[131] và có khoảng 6.000 nhân viên quân sự Hoa Kỳ.[132]

Bahrain tham gia chiến dịch can thiệp do Ả Rập Xê Út lãnh đạo tại Yemen nhằm chống lại phiến quân Houthis theo Hồi giáo Shia và lực lượng trung thành với cựu tổng thống Ali Abdullah Saleh,[133]

Ngoại giao

Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tháng 5 năm 2017

Bahrain thiết lập quan hệ song phương với 190 quốc gia (2012).[134] Tính đến năm 2012[cập nhật], Bahrain duy trì mạng lưới 25 đại sứ quán, 3 lãnh sự quán, và bốn phái bộ thường trực tại Liên đoàn Ả Rập, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu.[135] 36 quốc gia khác đặt đại sứ quán tại Bahrain. Bahrain giữ vai trò khiêm tốn, ôn hoà trên chính trường khu vực và gắn bó với quan điểm của Liên đoàn Ả Rập về hoà bình Trung Đông và quyền lợi của người Palestine bằng việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước.[136] Bahrain là một thành viên sáng lập của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.[137] Quan hệ với Iran có khuynh hướng căng thẳng do cuộc đảo chính bất thành năm 1981 mà Bahrain đổ lỗi cho Iran, ngoài ra các thành phần bảo thủ cực đoan tại Iran thỉnh thoảng yêu sách chủ quyền đối với Bahrain.[138][139]

Hành chính

Khu tự quản đô thị đầu tiên tại Bahrain là chính quyền Manama gồm 8 thành viên được thành lập vào tháng 7 năm 1919.[140] Các thành viên của chính quyền tự quản được bầu hàng năm; Bahrain đi đầu trong thế giới Ả Rập về chính quyền tự quản.[140] Chính quyền tự quản có trách nhiệm dọn dẹp đường phố và cho thuê nhà ở và cửa hàng. Cho đến năm 1929, họ tiến hành mở rộng đường phố cũng như mở chợ và lò mổ.[140] Năm 1958, chính quyền tự quản bắt đầu các dự án lọc nước.[140] In 1960, Bahrain comprised four municipalities including Manama, Hidd, Al Muharraq, and Riffa.[141] Trong vòng 30 năm sau đó, 4 chính quyền tự quản được phân thành 12 do các khu dân sư như Hamad Town và Isa Town phát triển.[141] Các chính quyền tự quản này được Manama quản lý bằng hội đồng khu tự quản trung ương với các thành viên do quốc vương bổ nhiệm.[142] Các cuộc bầu cử chính quyền tự quản đầu tiên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002.[143] Tháng 9 năm 2014, Bahrain có thay đổi về hành chính.[144]

Bản đồTỉnh (từ 2014)
1 – Tỉnh Trung ương
2 – Tỉnh Muharraq
3 – Tỉnh Bắc
4 – Tỉnh Nam